Sắp xếp lại giang sơn – Nền kinh tế sau sáp nhập tỉnh thành: Cú chuyển trục âm thầm nhưng chiến lược?
Đằng sau việc chia lại giang sơn là một cuộc chơi mới về tài sản và quyền lực
Ngày 1/7, nhiều người tỉnh dậy và bất ngờ thấy... hộ khẩu của mình đã ở một tỉnh thành mới, một phường xã mới.
Có người lo lắng, có người hồ hởi. Nhưng với tư duy của nhà đầu tư như tôi, có lẽ câu hỏi quan trọng hơn là: Sự kiện sáp nhập này có đang báo hiệu một cú tái cấu trúc ngầm của nền kinh tế, tiền sẽ đổ về đâu? Chúng ta hãy cùng phân tích sâu về tác động của sự kiện này:
Bài toán 1: Không gian phát triển kinh tế
Thực tế hiện nay một số tỉnh thành đã phát triển, có tiềm lực tài chính, nhân lực lại không có không gian (đất đai, tài nguyên) để bứt phá giống như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Còn một số tỉnh thành có nhiều không gian về đất, tài nguyên lại đa phần là những tỉnh nghèo, khó phát triển. Việc sáp nhập tỉnh thành giúp giải bài toán này. Các tỉnh mới được thành lập đa phần có được không gian về địa lý để phát triển và cũng có được nguồn lực về nhân sự, vốn để đáp ứng được bài toán này.
Bài toàn 2: Vị thế địa lý
Phần lớn tỉnh thành sau sáp nhập đều có núi có biển. Ngoại trừ 1 số trường hợp đặc biệt, gần như từ miền Trung trở xuống miền Nam, các tỉnh mới thành lập đều vừa có biên giới, vừa có biển, giúp nền kinh tế nội tại của từng tỉnh đa dạng hơn. Mỗi tỉnh giờ là một "cá thể" độc lập, là một pháo đài kinh tế đủ mạnh để tự cân đối các nguồn lực, cải thiện tình trạng có tỉnh thì thu ngân sách dư, có tỉnh Nhà nước phải bù ngân sách.
Bài toán 3: Cạnh tranh nội bộ,hướng đến phát triển kinh tế vùng:
Trước đây Có câu chuyện là mỗi tỉnh đều cố gắng xin sân bay, xin cảng, xin khu công nghiệp. Sau khi sáp nhập tỉnh, nhu cầu đó sẽ trở nên ít hơn hẳn. Khi đó, thay vì các tỉnh nhỏ cạnh tranh nhau trong việc xin dự án hoặc thu hút đầu tư, giờ được hợp nhất lại để tối ưu nguồn lực và phân bổ không gian phát triển hợp lý hơn. Đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh trước đây gặp khó khăn trong lĩnh vực cảng biển khi cụm cảng mới CÁi Mép, Thị Vải đã dịch chuyển luồng hàng hóa ra ngoài. Nay với việc Vũng Tàu cũng về chung một nhà, Thành phố Hồ Chí Minh đã lấy lại được vị thế "ông lớn" ngành cảng biển.
Kết luận:
Việc sát nhập tỉnh thành không đơn thuần là đổi tên địa lý mà còn là cuộc đại tinh chỉnh của nền kinh tế.
Việt Nam đang chuẩn bị cho một “trật tự mới” – nơi mỗi đơn vị hành chính là một trung tâm tự chủ, thay vì là mắt xích lệ thuộc.
Vậy chúng ta là nhà đầu tư thông minh cần quan sát:
Dòng vốn đầu tư công sẽ dịch chuyển ra sao?
Tỉnh nào trở thành hub logistic, công nghệ, công nghiệp sạch?
Địa phương nào sẽ tận dụng tốt “thể chế mới” để bật lên?
Logic vận động của dòng tiền và dòng chính sách luôn để lại dấu vết cho người biết đọc vị.