Đón sóng nâng hạng - Cơ hội vàng cho NĐT
Thống kê các thị trường đã nâng hạng thành công đều có mức tăng trưởng rất ấn tượng từ 50%-70% trong vòng 2 năm.
Ngày 19/08/2024, Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đón nhận một tin tức vô cùng quan trọng khi Bộ Tài chính đã thông qua Thông tư 68/2024/TT-BTC với nội dung “bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, có hiệu lực thi hành từ ngày 02/11/2024.”
Sự kiện này đánh dấu bước tiến gần hơn trong quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi. Việc ban hành Thông tư không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua giải pháp Non Pre-funding, mà còn thúc đẩy sự minh bạch với việc yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Đây chính là tín hiệu cho thấy Việt Nam đang tiến gần hơn đến việc được nâng hạng bởi các tổ chức quốc tế như FTSE Russell và MSCI, mở ra nhiều cơ hội cho dòng vốn ngoại và sự phát triển bùng nổ của thị trường.
Để hiểu rõ hơn về sóng nâng hạng, NĐT có thể phân ra 3 giai đoạn như sau:
1. Lộ Trình Nâng Hạng Theo FTSE Và MSCI
Việt Nam hiện đang nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell từ năm 2018. Mỗi năm, FTSE đánh giá các quốc gia vào hai kỳ, tháng 3 và tháng 9. Với các bước tiến gần đây, đặc biệt là sự cải thiện về thanh khoản và nâng cấp hệ thống giao dịch, Việt Nam có khả năng chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2025.
Trong khi đó, MSCI vẫn đang cân nhắc việc đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi, với dự đoán sẽ bắt đầu từ tháng 6/2025 và chính thức nâng hạng vào năm 2026. Một khi được MSCI công nhận, thị trường Việt Nam sẽ chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của dòng vốn từ các quỹ ETF và quỹ đầu tư chủ động, tạo động lực lớn cho thị trường và nhà đầu tư trong nước.
Bước tiến quan trọng nhất đó chính là việc lọt vào rổ của MSCI.
2. Tiêu chí nâng hạng - Thông Tư 68/2024/TT-BTC Tạo Đà Cho Thị Trường:
Thông tư 68/2024/TT-BTC mang đến một số thay đổi then chốt, giúp tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các tổ chức quốc tế:
Non Pre-funding Solution (NPS): Đây là quy định cho phép các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu mà không cần có đủ tiền trước. Điều này tạo thuận lợi cho các giao dịch lớn và giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút vốn ngoại là yếu tố quyết định để Việt Nam nâng hạng.
Công bố thông tin bằng tiếng Anh: Thông tư đưa ra lộ trình công bố thông tin song ngữ từ năm 2025 đến năm 2028. Điều này giúp nâng cao tính minh bạch và chuẩn hóa thông tin trên thị trường, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia.
Giới hạn sở hữu nước ngoài: Hiện tại, quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) tại Việt Nam đang bị giới hạn ở mức 49% đối với nhiều lĩnh vực, bao gồm ngân hàng và một số ngành nghề đặc thù. Điều này hạn chế dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài khi room ngoại bị lấp đầy.
Tuy nhiên, khi thị trường được nâng hạng và song hành với các chính sách cải thiện từ phía Chính phủ, room ngoại có thể được nới lỏng hoặc bãi bỏ đối với một số ngành trọng điểm. Đây là một yếu tố thu hút dòng vốn ngoại khổng lồ, giúp tăng thanh khoản và giá trị thị trường cho các cổ phiếu đầu ngành.
3. Bài Học Từ Các Thị Trường Đã Nâng Hạng Thành Công
Các quốc gia đã được nâng hạng bởi MSCI đều chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ví dụ:
Pakistan (2017): Sau khi được MSCI nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2017, chỉ số Karachi 100 đã tăng hơn 50% trong giai đoạn 2015-2017. Nhiều cổ phiếu tại quốc gia này đã tăng gấp 2-5 lần, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhà đầu tư.
Qatar (2014): Sau khi được MSCI công nhận là thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán Qatar đã tăng trưởng 50-70%, với nhiều cổ phiếu tăng mạnh do dòng vốn ngoại đổ vào.
Saudi Arabia (2019): Nước này chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2019, và chỉ số Tadawul All Share tăng 50% từ năm 2017-2019, nhờ vào dòng vốn mạnh mẽ từ các quỹ đầu tư quốc tế.
Kết luận:
Nâng hạng thị trường chứng khoán không chỉ là sự kiện quan trọng đối với nhà đầu tư trong nước, mà còn là cơ hội lớn để thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, chuẩn hóa và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế.
Theo ước tính của SSI Research, dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,7 tỷ USD khi Việt Nam được nâng hạng. Chưa kể, các quỹ chủ động có thể mang đến một dòng vốn gấp 5 lần con số này, tạo nên một đợt bùng nổ mới cho thị trường.
Cổ phiếu hưởng lợi: Những cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là trong ngành ngân hàng và bất động sản, sẽ là những cái tên hưởng lợi đầu tiên khi dòng vốn nước ngoài đổ vào. Một số ngân hàng như VCB, BID, CTG có thể thấy giá cổ phiếu tăng mạnh khi room ngoại được mở rộng và thanh khoản thị trường được cải thiện.
Cảm ơn chia sẻ của Ad, rất hay